7:00 - 17:00

Thứ 2 - Thứ 7

0904 928 456

Gọi để được hỗ trợ tư vấn

Tin tức chi tiết

ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP CÔNG TY, DOANH NGHIỆP

Theo luật doanh nghiệp 2020, để thành lập doanh nghiệp, cần có đủ 6 điều kiện chung bao gồm điều kiện về chủ thể, nghành nghề kinh doanh, vốn, tên công ty, trụ sở chính, người đại diện theo pháp luật.

Tuy nhiên, đối với từng loại hình doanh nghiệp mà có thêm các điều kiện riêng khác nhau.

ĐIỀU KIỆN CHUNG

Điều kiện về chủ thể thành lập doanh nghiệp:

Theo quy định tại Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật này, trừ những trường hợp sau:

-  Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

-  Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;

-  Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;

-  Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật Doanh nghiệp năm 2020, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;

-  Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;

-  Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng. Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh;

-  Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Như vậy, nếu cá nhân, tổ chức không thuộc một trong các đối tượng bị hạn chế quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp theo quy định tại Điều 17 Luật Doanh nghiệp thì có đủ điều kiện thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam.

2.     Điều kiện về nghành nghề kinh doanh

-     Doanh nghiệp được quyền đăng ký kinh doanh những ngành, nghề mà luật không cấm, nhưng các ngành nghề đó phải nằm trong hệ thống mã ngành kinh tế Việt Nam hoặc phải được quy định cụ thể tại văn bản pháp luật chuyên ngành.

-     Còn đối với những ngành, nghề có điều kiện thì doanh nghiệp phải đảm bảo đáp ứng được điều kiện của từng ngành nghề theo quy định của pháp luật. Bạn có thể tra cứu danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục IV của Luật Đầu tư 2020.

3.     Điều kiện về vốn (vốn điều lệ và vốn pháp định)

Vốn điều lệ là số vốn do các thành viên, cổ đông góp hoặc cam kết góp vốn và được ghi vào điều lệ công ty. Vốn pháp định là mức vốn tối thiểu phải có để thành lập công ty do pháp luật quy định đối với từng ngành, nghề.

Doanh nghiệp phải góp đủ số vốn điều lệ đăng ký trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Quá thời hạn quy định và vẫn không góp đủ vốn điều lệ thì trong vòng 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn, doanh nghiệp phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ.

4.   Điều kiện về tên công ty

-     Không được đặt tên trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký trước đó trên phạm vi toàn quốc;

-     Không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc;

-     Không sử dụng cụm từ trong các cơ quan đoàn thể của nhà nước để đặt tên cho công ty mình.

5.   Điều kiện về trụ sở chính

Theo điều 42 Luật Doanh nghiệp 2020 và điều 6 Luật Nhà ở 2014, trụ sở chính của doanh nghiệp phải thỏa mãn các điều kiện sau:

-     Trụ sở chính của doanh nghiệp phải đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính; có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có);

-     Địa chỉ cần phải xác định rõ số nhà, ngách, hẻm, ngõ, phố hoặc là thôn, xóm, ấp, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

 Ví dụ: Trụ sở chính của văn phòng luật sư PHÚC TÍN TÂM tại địa chỉ: số 93, đường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

-     Không đặt trụ sở công ty tại địa chỉ là căn hộ chung cư hoặc nhà tập thể.

6.   Điều kiện về người đại diện theo pháp luật

 

-       Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải là cá nhân, từ đủ 18 tuổi, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, không thuộc đối tượng bị cấm quản lý và thành lập doanh nghiệp (đã nêu tại mục 2. Điều kiện về chủ thể thành lập doanh nghiệp); người đại diện theo pháp luật không nhất thiết phải là người góp vốn trong công ty.

-       Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có thể là người Việt Nam hoặc người nước ngoài. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

-       Người đại diện theo pháp luật của công ty, doanh nghiệp có thể giữ các chức danh: Giám đốc/Tổng giám đốc, Chủ tịch công ty hay Chủ tịch HĐQT tùy theo loại hình doanh nghiệp đăng ký.

-       Nếu doanh nghiệp thuê người đại diện theo pháp luật thì phải có thêm hợp đồng lao động và quyết định bổ nhiệm.

-       Công ty TNHH, công ty cổ phần có thể có 1 hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật.

 

ĐIỀU KIỆN RIÊNG

Bên cạnh việc phải tuân thủ và đáp ứng các điều kiện chung như đã nêu trên, đối với từng loại hình doanh nghiệp còn phải đảm bảo thỏa mãn các điều kiện riêng sau:

-     Điều kiện để thành lập công ty cổ phần: Bắt buộc phải có tối thiểu 3 cổ đông sáng lập, không giới hạn số lượng cổ đông tối đa.

-     Điều kiện để thành lập công ty TNHH 1 thành viên: Bắt buộc chỉ có 1 cá nhân/ tổ chức là chủ sở hữu (người đứng ra thành lập công ty). Chủ sở hữu có thể đồng thời là người đại diện theo pháp luật của công ty.

-     Điều kiện để thành lập công ty TNHH 2 thành viên trở lên: Phải có từ 2 đến 50 thành viên là cá nhân hoặc tổ chức tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp.

-     Điều kiện để thành lập công ty hợp danh: 

·      Phải có ít nhất 2 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh); ngoài các thành viên hợp danh có thể có thành viên góp vốn;

·      Thành viên hợp danh phải là cá nhân và không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân khác; không được làm thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.

-     Điều kiện để thành lập doanh nghiệp tư nhân: 

·      Chủ doanh nghiệp tư nhân là cá nhân, tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình với hoạt động của doanh nghiệp;

·      Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh;

·      Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.

Trên đây là những kiến thức luật sư PHÚC TÍN TÂM cung cấp cho bạn về điều kiện thành lập doanh nghiệp. Nếu bạn còn bất cứ thắc mắc nào, hãy liên hệ trực tiếp với luật sư của chúng tôi để được hỗ trợ một cách tốt nhất!

 

 

 

 

Tin Liên Quan

ASEAN cần sự đồng hành của CĐDN trong phục hồi kinh tế

03-11-2021

Cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục chung tay với chính phủ các nước ASEAN trong việc đẩy lùi đại dịch, thúc đẩy phục hồi kinh tế bởi lẽ ASEAN rất cần sự năng động,

Xem thêm

Phát triển thị trường bảo hiểm minh bạch, bền vững và an toàn

03-11-2021

Trước sự phát triển của thị trường và nhiều quy định pháp luật liên quan thay đổi, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã bộc lộ một số bất cập nhất định, không còn thống nhất

Xem thêm

Hiệp hội và nhóm lợi ích cá nhân

03-11-2021

Thực tế, bên cạnh các nhóm lợi ích công khai và minh bạch đó, vẫn nẩy sinh những "nhóm lợi ích cá nhân", hoạt động ngầm, vì lợi ích cục bộ của vài DN hoặc một số cá nhân.

Xem thêm